Thoái hóa khớp gối – Xoa bóp giảm đau nhức

day xoa miet khop goi

Thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương sụn khớp kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn khớp không kịp để bù vào lớp sụn đã mất theo thời gian.

Trước đây, thoái hóa khớp gối được coi là bệnh của người lớn tuổi, nhưng những năm gần đây bệnh lại có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi do lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng không khoa học.

Dấu hiệu thoái hóa khớp gối

Người bệnh cảm thấy mỏi khớp, vận động khó khăn lúc đầu sau dần người bệnh sẽ cảm thấy đau. Đặc biệt đau mỗi khi lên xuống cầu thang hoặc khi thời tiết thay đổi…Một số người bệnh họ còn có thể nghe thấy tiếng lạo xạo ở khớp gối khi vận động. Trường hợp nặng, người bệnh đau cứng khớp đột ngột không thể co duỗi được.

day xoa miet khop goi

Cách xoa bóp giảm đau nhức thoái hóa khớp gối

  • Xát day khớp gối: Người bệnh ngồi trên giường cứng, hai chân duỗi thẳng. Hai bàn tay ôm lấy hai bên khớp gối và xát từ trên xuống và ngược lại khoảng 20 lần. Tiếp theo, đặt hai bàn tay úp lên hai xương bánh chè rồi day tròn theo chiều kim đồng hồ khoảng 20 lần rồi ngược lại cũng 20 lần.
  • Miết khớp gối: Người bệnh ngồi sao cho cẳng chân vuông góc với đùi. Hai ngón cái đặt vào phía trước đầu gối, các ngón còn lại ấp vào khoeo. Hai ngón cái dùng lực vừa phải miết hướng vào tâm (phía trước đầu gối) sau đó lại miết từ tâm ra phía sau đầu gối dọc theo khe khớp gối, làm 20 lần. Làm lại như vậy với chân bên kia.
  • Vận động khớp gối: Người bệnh ngồi trên ghế, cẳng chân vuông góc với đùi. Hai tay ôm lấy khớp gối, co duỗi nhẹ nhàng khoảng 20 lần. Làm lại như vậy với chân bên kia.
  • Người bệnh ngồi trên ghế, cẳng chân vuông góc với đùi, dùng hai ngón tay cái đồng thời day ấn các huyệt: âm lăng tuyền, huyết hải, túc tam lý. Mỗi huyệt làm 1-2 phút.
  • Người bệnh dùng hai ngón giữa, đồng thời day ấn huyệt ủy trung, huyệt thừa sơn ở hai bên chân, mỗi huyệt 1-2 phút.

Nên làm đều đặn hằng ngày, mỗi ngày 2 lần. Ngoài ra, có thể kết hợp chườm nóng khớp gối bằng lá ngải cứu sao với muối, mỗi ngày làm 1 lần vào buổi tối.

Khi đau cấp phải hạn chế vận động và kết hợp dùng thuốc. Khi hết đau cần tăng cường vận động khớp gối để tránh cứng khớp.

Để phòng trị thoái hóa khớp gối, cần lưu ý:

Thường xuyên tập thể dục với cường độ thích hợp, đều đặn, kéo dài khoảng 20-30 phút mỗi lần, ít nhất là 3 lần/tuần. Tốt nhất là đi bộ, yoga, bơi, đạp xe đạp.

Tránh để thừa cân béo phì tạo áp lực cho khớp. Tăng cường các thức ăn bổ sung canxi như sữa tươi, sữa chua, các loại tôm tép.

Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt hằng ngày như ngồi chồm hổm, khom cúi kéo dài. Không đi giày gót cao.

huyet uy trung va thua son

Vị trí huyệt

  • Âm lăng tuyền: Chỗ lõm tạo thành bởi bờ sau trong đầu trên xương chày với đường ngang qua nơi lồi cao nhất của cơ cẳng chân trước xương chày, ở mặt trong đầu gối. Dùng ngón tay lần theo bờ trong xương ống chân, đến ngay dưới chỗ lồi xương cao nhất, đó là huyệt.
  • Huyết hải: Mặt trước trong đùi, từ xương bánh chè đầu gối đo lên 2 tấc. Hoặc ngồi đối diện với bệnh nhân, bàn tay phải của thầy thuốc đặt trên xương bánh chè bên trái của bệnh nhân, 4 ngón tay áp tại đầu gối, ngón cái ở phía trên đùi, chỗ đầu ngón cái là huyệt.
  • Túc tam lý: Bờ ngoài xương bánh chè đo xuống 3 tấc, cách bờ xương ống chân 1 tấc.
  • Ủy trung: Chính giữa lằn chỉ ngang nếp khoeo chân.
  • Thừa sơn: Ở giữa đường nối huyệt ủy trung và gót chân, dưới ủy trung 8 tấc, ngay chỗ lõm giữa 2 khe cơ sinh đôi ngoài và trong.

Lương y Đình Thuấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *